Tôn giả Ưu Ba Ly (Upali) – Đệ Nhất Trì Giới
Tôn giả Ưu Ba Ly là vị tỳ kheo rất được Đức Phật quý mến. Ngài luôn nghiêm trì giới luật khắt khe mà Đức Phật đặt ra, ngay cả khi nghỉ ngơi và bệnh tật. Vị tôn giả này có ý chí giữ giới phi thường và thi hành lời dạy của Đức Thế Tôn một cách thiêng liêng nhất. Vì thế, Ngài con được gọi là Đệ Nhất Trì Giới.
Tôn giả Ưu Ba Ly là ai?
Ưu Ba Ly hay còn gọi là Ưu Bà Ly. Ông là nhà sư Phật giáo và là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật. Theo kinh điển Phật giáo sơ kỳ, Thánh tăng Ưu Ba Ly chính là người phụ trách việc trì tụng và xem xét giới luật. Với bản chất ưa suy tư và nghiêm túc nên cuộc sống của Ưu Ba Ly được rất nhiều người yêu thương giúp đỡ. Ngay cả chính bản thân, ông cũng không để cho ai phiền trách.
Được biết, Tôn giả Ưu Ba Ly có xuất thân từ một gia đình thuộc đẳng cấp thấp tại thời Ấn Độ cổ xưa, chuyên phục vụ cho hoàng tử thuộc dòng dõi Thích Ca và Đức Phật. Khi các hoàng tử thuộc dòng dõi Thích Ca thọ giới thì ông cũng xin phép được thọ giới theo. Sau khi quyết định bước vào con đường tu hành, tôn giả Ưu Ba Ly có ý chí giữ giới phi thường, luôn khắc sâu lời dạy của Thế Tôn và thi hành chúng một cách thiêng liêng nhất. Tôn giả trì giới ở bất kỳ đâu kể cả nơi đông người, chốn riêng tư và khi bệnh tật cần được nghỉ ngơi.
Khi tản bộ, Ưu Ba Ly luôn đặt chân nhẹ nhàng trên lối đi kinh hành, cúi chào tỳ kheo dù chỉ gặp thoáng qua trên đường. Khi khất thực, tiếp chuyện hay thuyết pháp thì ông luôn duy trì khoảng cách vừa đủ với tín chủ và giữ tư thế từ tốn đĩnh đặc. Vì thế, ông luôn giữ được oai nghi của một vị sa môn đang tu hành nhưng vẫn toát lên sự hiền từ ấm áp dành cho người đối diện. Tôn giả được người đời mô tả với dáng đứng ngay thẳng, phong thái ngồi vững vàng, nụ cười hiền hậu, ánh mắt từ bi,… Bất kỳ ai chiêm ngưỡng Ngài cũng dấy lên niềm kính quý kính tự nhiên.
Hành động của Tôn giả Ưu Ba Ly luôn được cân nhắc kỹ lưỡng xem có phù hợp với giới luật và có sai với lời dạy của Thế Tôn không. Dù cho luật giới có nghiêm khắc hay khuôn khổ cứng rắn thì ông cũng luôn khi trì thi hành chúng, không hề cố chấp và cho rằng luật giới quá khắt khe.
Cuộc đời của Tôn giả Ưu Ba Ly
Trước khi có được những thành quả trên con đường tu tập và nhận được sự kính trọng từ nhiều bậc cùng tu thì tôn giả Ưu Ba Ly là người có xuất thân thấp kém và bị khinh thường trong xã hội.
Xuất thân của Ưu Ba Ly
Tôn giả Ưu Ba Ly có xuất thân từ dòng hạ tiện Thủ Đà La tại Ấn Độ cổ xưa. Lúc bấy giờ, giai cấp này chịu rất nhiều sự kỳ thị và khinh bỉ, suốt đời chỉ có thể làm nô lệ cho ngươi khác. Thời thơ ấu, ông không được đi học nhưng rất được cha mẹ yêu thương. Khi lớn khôn, cha mẹ đã cho ông học nghề cắt tóc để nuôi thân vì nghề này rất nhẹ nhàng và phù hợp với cơ địa ốm yếu của ông.
Nhờ có tư chất thông minh và tính tình khiêm tốn nên ông học nghề rất nhanh. Khi tay nghề vững chắc, ông đã được nhận vào vương cung Ca Tỳ La Vệ để hớt tóc và làm đẹp cho các vị vương tôn công tử. Sau đó, ông nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của các vị vương tử nhờ tâm thuần lương trung hậu, lối cắt tóc nhanh gọn và khéo léo, luôn kính trọng tất cả các vị vương tôn,…
Sau 3 năm thành đạo, Đức Phật trở về vương cung để thăm gia đình và phụ vương. Lúc này, Ưu Ba Ly đã trở thành thợ cắt tóc lành nghề. Khi Đức Phật đến ngày cạo tóc thì hoàng cung đã giới thiệu Ưu Ba Ly cho Ngài. Tuy nhiên, ông rất lo sợ vì nếu lỡ tay sẽ xúc phạm đến Thế Tôn và phạm trọng tội.
Sau khi nghe con trai nói về nỗi lo của bản thân, mẹ của Ưu Ba Ly đã an ủi ông và đi cùng ông đến cạo tóc cho Đức Phật. Ban đầu, vì tỏ lòng cung kính với Đức Phật nên ông luôn cúi khom lưng để cạo tóc chứ không dám ngẩng đầu lên. Dưới sự hướng dẫn của Đức Phật thì ông đã nhanh chóng nhập tứ thiền trong lúc cạo tóc cho Ngài.
Ưu Ba Ly xuất gia theo Phật
Các vị vương tử sau khi nghe Phật thuyết pháp đều có ý định xuất gia theo Phật nhưng không nhận được sự đồng ý của cha mẹ. Vì thế, có 7 vị vương tử quyết định lén xuất gia rồi thông báo cho gia đình sau khi mọi chuyện đã thành. Nhưng nếu muốn xuất gia thì phải cắt bỏ râu tóc nên bắt buộc phải mang theo Ưu Ba Ly. Vì thế, nhóm người này đã lén trốn ra ra khỏi hoàng cung, đi đến rừng Ni Câu để tìm Đức Phật.
Sau khi cạo râu tóc cho các vị vương tử thì ông đã rơi nước mắt. Ông lo sợ khi quay về sẽ bị lão vương và hoàng gia đại thần gán tội nên cũng quyết định xin đi tu theo Phật. Ông không do dự đem tất cả trân châu bảo vật mà các vị vương tử đã trao tặng treo trên nhánh cây cho người đi ngang qua lấy về xài, sau đó đi hướng về phía tịnh xá.
Trên đường đi, ông chợt nhớ đến thân phận hạ tiện của bản thân nên đã khóc lóc vì tủi hổ và oán trách thế gian không công bằng. Sau khi biết bản thân có thể đi tu theo lời của Xá Lợi Phất thì ông đã rất vui mừng, nhanh chóng đi theo tôn giả Xá Lợi Phất về bái kiến Đức Phật. Đức Phật cho biết, Ưu Ba Ly rất có thiện căn và sẽ tuyên dương chánh pháp của Ngài. Lòng từ bi của Đức Phật đã khiến ông cảm động, nguyện siêng năng tu tập và học tập theo Phật để không phụ lòng của Đức Thế Tôn.
Khi bảy vị vương tử ra mắt đại chúng, họ đã rất ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện của tỳ kheo Ưu Ba Ly ở giữa đông đảo huynh đệ. Dưới sự chỉ điểm của Đức phật, họ đã bỏ qua tâm kiêu mạn, thành tâm đảnh lễ đối với Ưu Ba Ly. Còn Ưu Ba Ly cũng không còn e ngại và dùng lễ huynh trưởng đối đãi với họ. Lúc này, Đức Phật chính là người có công xóa bỏ bất công trong xã hội, khuyến khích chúng sinh hướng thiện và phát huy tinh tấn trí tuệ của bản thân.
Việc Ưu Ba Ly được lãnh thọ và đối đãi ngang hàng với mọi người đã giúp cho Pháp chế của Đức Phật dần được thực hiện. Trong Tăng đoàn lúc này đã không còn sự phân chia chủng tộc và giai cấp. Về sau, Ưu Ba Ly không phụ ân huệ của Đức Phật, thực sự tu chứng thánh quả.
Tiền kiếp của Ưu Ba Ly
Tu hành không bao lâu thì Ưu Ba Ly đã tinh tấn tu đạo và khai ngộ. Chỉ sau một năm tu hành, ông chứng thánh quả và trở thành bậc thượng thủ trong Tăng đoàn, nhận được sự tôn kính của cả chúng tu hành tại gia và người xuất gia. Do có xuất thân thấp kém nên khi Ưu Ba Ly đắc quả A La Hán đã khiến nhiều người kinh ngạc. Một người thuộc giai cấp Thủ Đà La chứng quả La Hán đã làm rạng rỡ dòng Thủ Đa La và làm vẻ vang tinh thần bình đẳng trong Phật giáo. Qua dịp này, Đức Phật cũng đã kể về tiền kiếp của Ưu Ba Ly.
Thời quá khứ, có hai người bạn sinh ra trong nhà bần cùng nhưng họ luôn làm việc thiện. Nhờ công đức ấy mà khi tái sinh một người được làm vương với tên Phạm Đức và một người được sinh ra trong gia đình Bà La Môn với tên Ưu Bà Già. Ưu Bà Già sau khi kết hôn vẫn không bỏ tính trăng hoa nên đã làm cho vợ giận. Trong một lần mua hoa giảng hòa với vợ, ông được vua Phạm Đức gọi đến hỏi chuyện. Hai ngươi đàm đạo rất tương đắc nên nhà vua cho Ưu Bà Già đảm đương chức quan lớn trong triều đình và nhận được rất nhiều ưu ái.
Được nhà vua tín nhiệm nên uy quyền của Ưu Bà Già ngày càng lớn. Khi lòng tham tăng lên thì ông nảy sinh ra ý định hành thích đoạt ngôi. Trong lúc đang nuôi mưu thì ông chợt tỉnh ngộ, nhận ra sự đáng sợ của lòng tham và danh lợi. Ông kể tất cả mọi chuyện cho nhà vua, quyết bỏ địa vị cao sang và xuất gia sám hối. Tu hành chẳng bao lâu thì ông đạt thần thông và chứng quả. Thợ hớt tóc Hằn Già Ba La trong cung sau khi khen ngợi ý chí xuất gia của Ưu Bà Già cũng đã phát nguyện xuất gia và làm đệ tử của Ưu Bà Già, sau thời gian cố tâm tu đạo cũng đạt được thần thông đó. Sau này, hai thầy trò đều trở thành thánh và có thần thông ngang nhau.
Khi lên núi cúng dường Ưu Bà Già, nhà vua đã thành tâm đảnh lễ với cả Ưu Bà Già và Hằng Già Ba La. Đồng thời, bảo cả trăm quan đại thần cùng đã lễ. Mặc dù có xuất thân hạ tiện nhưng xung quanh tỳ kheo Hằng Già Bà La vẫn phát ra oai lực Phật Pháp, khiến nhà vua phải cúi đầu quỳ lạy. Sau khi kể xong chuyện, Đức Thế Tôn bảo rằng Ưu Bà Già thuở ấy chính là thân Ngài và thợ hớt tóc Hằng Già Ba La chính là Ưu Ba Ly.
Thông qua câu chuyện trên, Đức Phật muốn nhắn nhủ với đại chúng rằng, người tham quyền rất dễ phát sinh tâm ác. Câu chuyện trên cũng giải thích rõ, Ưu Ba Ly xuất thân hạ tiện nhưng vẫn chứng thánh quả, làm bậc thượng thủ trong tăng đoàn và nhận được sự kính trọng từ mọi người là do có nguyên nhân trong quá khứ. Khi mọi người nghe Phật kể Pháp xong thì lòng nghi ngờ đối với Ưu Ba Ly cũng hoàn toàn biến mất.
Tôn giả Ưu Ba Ly – Đệ Nhất Trì Giới
Giới luật là những khuôn phép có chuẩn mực để tu tập. Nghiêm túc và nỗ lực thực hành giới pháp sẽ giúp tu sĩ giữ gìn đức hạnh thanh tịnh, gieo nhân lành để chứng Thánh quả về sau. Nhờ Pháp giới mà Tăng đoàn thêm chặt chẽ và vững mạnh. Tăng chúng sống an lạc trong giới pháp là sự khẳng định chánh Pháp hưng thịnh.
Ưu Ba Ly là người có bản tính cẩn thận nên luôn tuân thủ theo các giới điều mà Đức Phật đã chế ra. Vì thế, các bậc tỳ kheo đồng học đều xưng ông là bậc đệ nhất trì giới. Người tu chân chính luôn cúng kính và hoan hỷ cúng dường đối với Ưu Ba Ly. Còn những người không nghiêm trì giới hạnh thì lại không thích người trì giới. Vì thế, trong tăng đoàn cũng có nhiều người không thích Ưu Ba Ly, thậm chí là phê bình.
Trong quá trình tu tập, Ưu Ba Ly rất dễ gặp phải tình cảnh khó xử mỗi khi ra ngoài hoằng pháp nhưng Đức Phật luôn cổ vũ nên khó từ chối. Khi bị những vị tỳ kheo khác mắng, ông vẫn luôn dùng đức nhẫn nhục để giữ tâm thanh tịnh, không trả lời hay phân bua hơn thiệt. Do rất quý Ưu Ba Ly nên khi nghe tin tôn giả bị đồng tu khác mắng, Đức Phật tỏ ra không vui và triệu tập tỳ kheo để dạy bảo. Đồng thời, Ngài cho mời các tỳ kheo đã vô lễ với Ưu Ba Ly đến để quở trách.
Trong tăng đoàn có người y pháp tu hành chứng quả và cũng có người phạm giới. Đức Phật luôn khuyên đệ tử lấy tôn giả Ưu Ba Ly làm tấm gương sáng để tu hành. Việc phát sinh hiềm khích giữa các tỳ kheo sẽ ảnh hưởng đến sự tu hành của đại chúng và làm giảm thanh danh Phật giáo. Mỗi khi có sự tranh cãi giữa các Tỳ kheo, Đức Phật sẽ cử Ưu Ba Ly đến phân xử vì ông là người có danh cao đức trọng, biết phân minh phải trái và cầm cân công bằng.
Nguyên tắc giải quyết bất hòa của tôn giả Ưu Ba Ly là không bao giờ đem việc gây gỗ từ chỗ này nói lại chỗ kia, không đem kẻ xấu nơi đây nói đến chỗ khác, không làm lớn chuyện bất hòa. Ưu Ba Ly thường xuyên ở thành xá vệ nên tỳ kheo ở đây sống với nhau rất hòa hợp. Trong Tăng Đoàn, Ưu Bà Ly rất xứng đáng với danh xưng bậc trì giới và bậc thượng. Đức Phật còn đem giới điều chiều theo Ưu Ba Ly vì ông có địa vị trọng yếu trong Phật Pháp.
Sau khi chứng đạo giải thoát tâm Ưu Ba Ly trở nên thanh tịnh. Đồng thời, Ngài còn thấy rõ đúng sai và sâu sắc trong mọi tình huống, tường tận đến nghiệt duyên của nhiều kiếp. Sống tự tại trong cuộc đời và khép mình trong giới luật chung là điều khiến Ngài cảm thấy hạnh phúc, an lạc và vui vẻ.
Vai trò của Tôn giả Ưu Ba Ly trong Phật giáo
Tôn giả Ưu Ba Ly là người chuyên giải quyết rắc rối trong tăng đoàn và làm sám hối cho tỳ kheo phạm giới, ông luôn bàn bạc với Đức Phật về những khó khăn trong giới luật. Tôn giả là bậc danh cao đức trọng, có đầy đủ quyền hạn để thay thế Phật giữ hòa thuận cho tăng đoàn. Chính Đức Phật cũng đã tuyên bố, tôn giả Ưu Ba Ly là đệ nhất trì giới và các tỳ kheo các cũng công nhận.
Ưu Ba Ly là tôn giả có xuất thân từ dòng hạ tiện nhưng lại giữ địa vị cao trong tăng đoàn. Ông là tấm gương sáng cho mọi người. Nhờ có Phật giáo va lòng từ bi của Đức Phật mà những bất công trong xã hội mới bị xóa bỏ, giúp mọi người tìm đến Thánh quả và một lòng chuyên tâm tu hành.
Được biết, tôn giả Ưu Ba Ly nhận được sự kính ngưỡng ở thời Đức Phật tại thế đến mãi muôn đời sau, giúp ánh sáng bình đẳng của Phật giáo chiếu sáng ngàn vạn đời cho chúng sanh.
Có thể bạn quan tâm: