Ý nghĩa nghi thức tắm Phật trong ngày Đại lễ Phật Đản
Nghi thức tắm Phật là một trong những nghi lễ quan trọng, không thể thiếu trong Đại lễ Phật Đản tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nghi thức này đã xuất hiện từ lâu, đến nay vẫn còn được lưu truyền, gìn giữ và truyền bá rộng rãi, được rất nhiều người biết đến. Ý nghĩa của nghi thức tắm Phật vô cùng sâu xa, không chỉ thể hiện sự thành kính, lòng tri ân đến Đức Phật mà còn là cách để chúng tự gột rửa những cấu uế, phiền não, vô minh, những ràng buộc bám víu ở thân và tâm, từ đó thân tâm được thanh tịnh, an yên, có thể trưởng dưỡng lòng từ, tinh tiến trên con đường tu tập.
Nguồn gốc của nghi thức tắm Phật
Nguồn gốc của nghi thức tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sinh của thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo các bản kinh thuộc cả Đại Thừa lẫn Phật giáo Nguyên Thủy đều có đề cập rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử Tất Đạt Đa, từ trên không trung có hai dòng nước một ấm một mát, từ chư thiên rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.
Sự kiện này được ghi lại trong nhiều bản kinh, được xem là nguồn gốc của nghi thức tắm Phật trong Đại lễ Phật Đản ngày nay. Trong kinh Đại Bổn, kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, trong tác phẩm Phật sở hành tán (Mã Minh), trong mở đầu bản chú giải truyền Bổn Sanh, trong bộ đại sự đều đề cập rằng, khi thái tử ra trời, trên không trung có hai dòng nước ấm và lạnh trong lành, dịu thơm rưới xuống để tắm cho Thái tử.
Trong khi đó, kinh Phổ Diệu có ghi rằng, khi thái tử đản sanh, trên hư không có chín con rồng phun nước tắm cho Ngài. Căn cứ vào tác phẩm này, hình ảnh thái tử đản sanh với chín con rồng phun nước đã được điêu khắc thành các tác phẩm nghệ thuật và truyền bá nhiều nơi.
Lễ tắm Phật là một nghi thức có từ xa xưa, rất lâu đời, ngày nay, nghi lễ này đã trở thành một phần thiết yếu, không thể thiếu của Đại lễ Phật Đản. Lễ tắm Phật rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam tông và Bắc tông, đặc biệt là các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Á khác.
Được biết, theo lời Phật dạy: “Như Lai thành tựu sắc thân thanh tịnh là do tu tập những diệu pháp cao thượng”, đối với các bậc giác ngộ như thế, nếu dùng tâm thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc trước tôn tượng các Ngài trang hoàng, nghiêm sức, dùng nước thơm, hương quý theo nghi thức tôn nghiêm tắm tượng, lại đánh trống, thỉnh chuông, xưng tán công đức, phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng thì sẽ được vô lượng công đức.
Ý nghĩa của nghi thức tắm Phật trong lễ Phật Đản
Nghi thức tắm Phật đã xuất hiện từ lâu, là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong Đại lễ Phật Đản. Phải có ý nghĩa đặc biệt thì nghi thức này mới có thể tồn tại, duy trì và ngày càng phổ biến như hiện nay. Nếu đã là Phật tử, là một người con Phật hoặc đang tìm hiểu về Đạo Phật và nghi thức tắm Phật, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa của nghi thức này.
Trước hết, việc tái hiện nghi thức tắm Phật là để chúng ta khởi lên lòng tri ân, thành tâm tôn kính đối với Đức Phật, bậc đạo sư vĩ đại, người đã hướng đạo cho chúng ta. Đức Phật đản sanh ở thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài có ba thân là sanh thân, báo thân và pháp thân. Được tạo tác một báo thân viên mãn, phước đức vẹn toàn, trí tuệ vô song, là thầy của chúng sinh. Mặc dù đã giác ngộ nhưng Ngài đã để lại một kho tàng vĩ đại.
Thứ hai, hai dòng nước nóng lạnh khi tắm tượng Phật tượng trưng cho hai cảnh giới đối lập là thuận – nghịch, vui – buồn, sướng – khổ… của cuộc đời. Khi tắm Phật, giữa hai dòng nước nóng lạnh, tự nguyện với chính mình, luôn bình tâm giữa dòng đời sóng gió, thành không kiêu, bại không nản, khó khăn, gian nan không sờn lòng nhục chí.
Thứ ba, nhiều tài liệu đề cập rằng, lễ tắm Phật mang một ý nghĩa rất cao siêu, mượn hình ảnh tắm tượng Phật để chúng ta thể hiện mong cầu gột rửa thân tâm của mình, từ đó tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn có trong tâm. Pháp thân vốn thanh tịnh, trong mỗi người đều có tiềm ảnh Phật tánh nhưng lại bị phiền não, tham sân che lấp, nên không hiển lộ Phật tánh ra ngoài.
Vì thế, phải mượn nước thơm, mượn hình ảnh tắm Phật để tẩy rửa bụi trần, cấu uế của tâm như tham, sân si và tự ngộ chân lý. Như vậy, ý nghĩa của nghi thức tắm Phật chính là để chúng ta nương theo việc tắm tượng Như Lai để gội rửa cho thân tâm được thanh tịnh. Đem giáo Pháp của Đức Phật, gội rửa lại thân mình, để loại bỏ cấu uể, trưởng dưỡng lòng từ bi. Chúng ta tắm Phật bằng nước công đức, bằng hương đức hạnh, bằng sự nhẫn nhục từ ái và bằng hoa trí tuệ.
Nghi thức thực hiện lễ tắm Phật đúng cách
Đại Lễ Phật Đản là dịp để Phật tử, những người con của Phật, người tôn kính Đức Phật và cộng đồng Phật giáo có cơ hội thể hiện lòng tôn kính, hân hoan kỷ niệm ngày Đức Phật xuất hiện.
Ở mỗi quốc gia, lễ tắm Phật và Đại lễ Phật Đản sẽ có quy định về ngày tổ chức đại lễ riêng, cách thức tại mỗi nơi cũng không giống nhau. Trong khi đó, tại Việt Nam, lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày 15 tháng 4 âm lịch vào đúng dịp Đại lễ Phật đản. Quý Phật tử có thể tham gia lễ Phật Đản tại các ngôi chùa lớn nhỏ trên khắp cả nước, hoặc tự tắm Phật tại nhà đều được.
Tùy vào từng nơi mà hình thức tắm Phật và nội dung quán tưởng sẽ không giống nhau. Trước hết, người tắm Phật sẽ chí tâm đảnh lễ, chắp tay trước tượng Phật đản sanh rồi cầm lấy chiếc gáo múc nước.
Cách 1: Dùng 2 gáo nước
- Gáo đầu tiên: Dùng gáo nước đầu tiên tắm bên vai phải của tôn tượng Phật Đản Sanh, tâm nguyện rằng dù trên đời có gặp phải việc vừa ý, gọi là thuận cảnh, nguyện cho tâm chúng ta luôn bình tĩnh, thản nhiên.
- Gáo thứ 2: Múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tượng Phật Đản Sanh, nguyện rằng dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, nguyện cho tâm vẫn luôn bình tĩnh, thản nhiên.
Cách 2: Dùng 3 gáo nước
- Gáo nước 1: Múc gáo nước đầu tiên tắm lên vai trái của tượng Phật và quán niệm nguyện bỏ mọi điều ác
- Gáo nước 2: Múc gáo nước thứ hai tắm bên vai phải Phật và quán niệm nguyện làm mọi điều lành
- Gáo nước 3: Múc gáo cuối cùng, tắm dưới chân Phật và quán niệm nguyện độ hết chúng sinh.
Trong khi tắm Phật, bên cạnh việc quán tưởng dòng nước giúp tẩy sạch cấu uế, uế trược của thân và tâm thì còn quán tưởng đến hai dòng nước ấm mát của chữ thiên, nguyện giữ tâm an nhiên, thanh tịnh, tĩnh lặng trước thuận nghịch, sóng gió, cám dỗ của dòng đời.
Cách Phật tử thực hiện lễ tắm Phật tại gia
Phật tử, người thờ Phật, tín Phật có thể tham gia Đại lễ Phật Đản hoặc tự thực hiện lễ tắm Phật tại gia đều được. Nghi thức tắm Phật tại gia được rất nhiều sư hướng dẫn tỉ mỉ. Dưới đây là cách thực hiện nghi thức tắm Phật được hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM hướng dẫn.
Theo hòa thượng Thích Lệ Trang, để tắm Phật, trước tiên, gia chủ cần thỉnh tôn tượng Phật Đản Sanh nào mà gia chủ thấy trang nghiêm, cân đối, diện tượng đẹp, thần sắc hoan hỷ, tươi vui. Sau đó, thỉnh tượng và rước tượng lên bàn thờ tam bảo ở nhà, bày biện bày thờ trang nghiêm, hương hoa, đèn nến đầy đủ, đẹp đẽ. Bố trí một chậu nước nhỏ, nếu có điều kiện, nên chuẩn bị chậu tắm Phật chuyên dụng phù hợp với kích cỡ của tôn tượng.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, trang nghiêm, các thành viên trong gia đình tập hợp trước bàn thờ Phật dâng hương, bài kệ nào thường sử dụng, gia đình đã thuộc đều có thể dùng được. Sau khi dâng hương, có thể đọc thi kệ về cuộc đời của Đức Phật hoặc đảnh lễ danh hiệu của Đức Phật qua sự kiện đản sanh.
Khi xướng bài kệ hoặc danh hiệu của Ngài xong thì đại chúng cùng đồng thanh họa: Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi bắt đầu đảnh lễ. Xướng đến lần thứ hai, thứ ba thì rước tượng Phật đản sanh từ bàn thờ xuống chậu tắm. Tiếp đó, mọi người đọc lên bài kệ tắm Phật, lần lượt từng người lên múc nước để tắm cho tượng Phật đản sanh. Bài kệ được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi lễ tắm Phật kết thúc, tức là người cuối cùng trong gia đình tắm xong cho tượng Phật.
Có rất nhiều cách tắm Phật, quý Phật tử chọn cách nào cũng được. Theo lưu ý của hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, khi tắm Phật, Phật tử nên chọn cách tắm Phật thứ hai, tức là dùng 3 gáo nước, một gáo xối từ bên vai trái, một gáo xối từ bên vai phải và gáo cuối cùng xối lên đôi bàn chân của tượng Phật.
Sau khi tắm tượng Phật xong thì rước tượng về vị trí bàn thờ, đọc bài sám khánh đản, niệm danh hiệu Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật 3 lần rồi hồi hướng tam tự quy y. Như vậy, lễ tắm Phật tại tư gia đã hoàn tất, xong lễ, nếu gia đình nào muốn thờ phụng tượng Phật Đản Sanh thì rước tôn tượng lên bàn thờ Tam Bảo để thờ. Nếu không thì chỉ cần cất tượng vào vị trí đẹp đẽ, mỗi năm rước ra tắm Phật là được.
Nghi thức tắm Phật tại tư gia không nhất thiết phải đồng nhất, theo sát nghi thức của chùa sẽ làm mất nhiều thời gian của Phật tử. Điều quan trọng là mỗi động tác, mỗi lời kinh đều có nội dung, thể hiện được sự thành tâm, lòng tôn kính của mỗi người.
Theo kinh Công đức tắm Phật: Khi tắm tượng Phật thì dùng nước nóng thăm trong sạch rưới từ trên tượng Phật xuống. Sau đó lại dùng dòng nước tinh khiết, sạch sẽ, mát lành để tắm lại. Tiếp đó dùng khăn mềm, mịn và sạch để lau khô tượng, xông các loại hương trầm quanh tượng và an vị tượng Phật về lại vị trí cũ. Đây là cách tắm tượng Phật đản sanh trong Đại lễ Phật đản tại nhà.
Lễ tắm Phật nằm ở phần nào của Đại Lễ Phật Đản?
Không phải ai cũng nắm được cách thức và các nghi thức được thực hiện trong lễ Phật Đản. Như đã đề cập, nghi thức tắm Phật là một phần không thể thiếu của Đại lễ Phật Đản. Vậy nghi thức này nằm ở phần nào?
Được biết, Đại Lễ Phật đản được chia làm 3 phần chính là phần dẫn nhập, phần chánh kinh và phần sám hối. Cụ thể như sau:
- Phần dẫn nhập là phần nghi thức mang tính hành trì tôn giáo để thể hiện lòng tôn kính với Tam Bảo. Gồm có:
- Nguyện hương
- Tán Phật và đảnh lễ Tam Bảo
- Tán hương
- Phát nguyện trì kinh
- Tán dương giáo pháp
- Phần chánh kinh là phần đọc thi kệ về cuộc đời của Đức Phật.
- Phần Sám Nguyện và hồi hướng gồm có:
- Kinh tinh hoa trí tuệ
- Kệ tắm Phật
- Xướng lễ cuộc đời Đức Phật
- Sám khánh đản
- Mười nguyện Phổ Hiền
- Hồi hướng công đức
- Lời nguyện cuối
- Đảnh lễ ba ngôi báu
Như vậy, nghi thức tắm Phật nằm ở phần sau của Đại Lễ Phật Đản. Thông thường, sau khi kết thúc bài kệ về cuộc đời Đức Phật hoặc kinh tinh hoa trí tuệ, Phật tử sẽ đứng dậy vừa tụng bài kệ tắm Phật và múc nước tắm cho tượng Phật. Kệ tắm Phật sẽ được đọc liên tục cho đến khi từng người trong đại chúng hoàn tất việc dâng hoa và múc nước thơm tắm cho tượng Phật sơ sinh.
Kệ tắm Phật như sau:
Con nay tắm gội đức Như Lai
Bậc trí trang nghiêm, công đức đầy
Cõi trược chúng sanh lìa uế nhiễm
Trọn nên thân pháp vốn không hai
Phật không sanh ở Ca-tỳ-la
Cũng chẳng qua đời tại Sa-la
Sống chết thong dong, nào quái ngại
Bậc siêu sanh diệt: Sa-ky-a
Trăng tròn Ve-sak, cảnh xinh tươi
Mừng Tất-đạt-đa sanh cõi đời
Rồng múa lượn quanh phun nước tắm
Hoa sen nở ngát dưới chân Người.
Một số lưu ý khi thực hiện nghi thức tắm Phật
Chúng ta tắm Phật bằng nước công đức, hoa trí tuệ và hương đức hạnh. Khi tắm Phật để được trọn vẹn công đức thì cần lưu ý nhiều vấn đề. Trước hết, nước tắm Phật là nước tám công đức, vì vậy, khi tắm Phật tại nhà, người chuẩn bị nước phải thành tâm, một lòng tôn kính Đức Phật, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm Phật.
Nếu tham gia Đại lễ Phật Đản, nghi lễ tắm Phật thường kéo dài rất lâu, điều này khiến không ít Phật tử mệt mỏi. Tuy nhiên, lúc này, phải giữ cho tâm thanh tịnh, không được để những tham lam, giận dữ, ganh ghét, đố kỵ xâm chiếm tâm mình. Hãy phát nguyện một cách thành tâm, mượn năng lượng mạnh mẽ của nước tắm Phật để gột rửa tà kiến, phiền não, đánh thức tâm Phật trong con người mình.
Theo các tài liệu kinh sách, khi tắm tượng hãy lấy các loại hương thơm như hương linh lăng, hương cây hoắc, hương huân lục, hương chiên đàn trắng, hương chiên đàn ở đỉnh núi Ngưu Đầu, hương long não, hương uất kim hoặc các loại hương quý khác. Sau đó, nghiền chúng ta thành bột, trộn hương với nước, đổ vào bình sạch.
Tiếp đó, ở nơi đất sạch, dựng pháp đàn hình tròn hoặc vuông, kích cỡ theo hoàn cảnh, rồi an trí các đồ vật để tắm Phật, tượng Phật đặt ở chính giữa. Sau đó rưới nước hương nóng ấm để tẩy rửa tượng rồi rưới nước trong tinh khiết, mát lành cho đến khi tượng sạch sẽ, thơm khiết.
Khi tắm tượng xong, lấy một cái khăn mềm mại để lau tượng cho sạch. Kế đó đốt các nén hương quý, hương trầm để hương thơm lan tỏa quanh tượng. Cuối cùng, an trí tượng về chỗ cũ là hoàn tất quá trình tắm tượng tại gia.
Khi chúng ta tham gia lễ tắm Phật, tức là đang phát tâm Bồ đề hướng về Phật, hướng đến cái thiện, sự thiện lành, thanh tịnh, nhờ đó mà tâm chúng ta được bình yên, lắng đọng, xa rời những thứ phiền não, nhơ cấu, được sạch sẽ, thanh tịnh. Chỉ khi thân tâm an lạc, thanh tịnh, sạch sẽ thì mới tích tụ được công đức. Nếu thân tâm ô uế thì không thể tu tạo được công đức. Hy vọng những thông tin về ý nghĩa nghi thức tắm Phật trong ngày Đại Lễ Phật Đản sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghi thức này.
Có thể bạn quan tâm: