Giới Định Tuệ là gì? Có ý nghĩa gì trong việc tu tập?
Giới, Định, Tuệ là Tam học hay còn gọi là Tam vô lậu học, được nhắc đến trong nhiều bản kinh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xuất hiện nhiều trong kinh Nikaya. Được xem là nền tảng của an lạc và giải thoát, là nơi phát sinh ra mọi công đức, là bức tường thành kiên cố, vững chắc mà hành giả cần phải xây dựng.
Giới Định Tuệ là gì?
Đối với một người mới tìm hiểu về Đạo Phật, Giới – Định – Tuệ là những thuật ngữ đầu tiên mà người tu học nên biết và cần phải biết. Giới Định Tuệ được xem là nền tảng vững chắc, nơi phát sinh ra công đức, là chiếc mỏ neo để tâm trụ vững vàng, từ đó loại bỏ vô minh, phiền não, vượt khỏi sự trói buộc của ham muốn vật chất phàm tục, hoàn toàn được an lạc, tự tại, có thể chạm đến giác ngộ, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn.
Định nghĩa về giới
Giới (Sila), nghĩa là đề phòng điều sai trái, đình chỉ mọi điều ác, ngay cả những ác niệm, “chỉ ác tác thiện” (ngưng mọi điều ác, chỉ làm điều thiện). Giới cũng có thể hiểu là những điều răn cấm do Phật đặt ra để các đệ tử giữ gìn nhằm ngăn ngừa tội lỗi. Giới hay còn gọi là giới luật chính là kỷ cương của Phật Pháp, là mạng sống của Tăng Già, là những điều luật để phòng ngừa tâm, khẩu, ý tạo ra ác nghiệp.
Trong đạo Phật, giới luật không phải là những điều răn cấm bắt buộc tín đổ phải tuân theo, nếu không sẽ là có tội. Thực tế, giới là hàng rào phân định giữa thiện và ác, là cách để điều phục, ngăn chặn những hành vi tội lỗi của bản thân, từ đó đem lại lợi ích, sinh ra công đức cho chính mình.
Đức Phật chế định 10 giới cho Sa-di và Sa-di ni, Cụ túc cho Tỳ-kheo (250 giới) và Tỳ-kheo ni (348 giới). Giới là nền tảng thực tiễn của Đạo Phật, cùng Định và Tuệ là Tam vô lậu hậu. Giới cũng là một trong năm phần pháp thân, được gọi là Giới thân.
Trong bổn Ba-la-đề-mộc-xao, giới là biệt giải thoát (giải thoát từng phần) và xứ xứ giải thoát (giữ giới ở đâu thì cũng được an lạc, thảnh thơi), giữ giới càng nhiều thì giải thoát càng nhiều. Trong Bát chánh đạo cũng có Giới uẩn gồm: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Trong Tứ phần luật, giới cũng được chia làm bốn là giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng.
Định nghĩa về Định
Định (samadhi), dịch từ chữ tam muội của Phạn ngữ, có nghĩa là chuyên chú, định tâm vào một đối tượng nhất định và đạt đến trạng thái tinh thần không tán loạn. Từ đó, giúp đoạn trừ phiền não, vô minh, vọng tượng, kiến chấp, giúp cho tâm trí trở nên thanh tĩnh, vắng lặng. Định là trạng thái mà tâm không bị nhiễu loạn, phân tán bởi các tác động chủ quan và khách quan.
Định là một trong tam học (tam vô học lậu), cũng là một trong bát chánh đạo (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), một trong lục độ (thiền định), một trong năm căn (định căn, định lực). Định được chia thành nhiều loại, gồm định cận hành và định an chỉ; định thế gian và định xuất thế gian.
Thiền Định trong Phật giáo gồm Thiền chỉ và Thiền quán. Trong đó, Thiền chỉ là gom tâm lại một chỗ, trú tâm trên một đối tượng, cắt đứt mọi vọng tưởng và làm phát sinh hỷ lạc. Thiền quán là nhìn sâu, tĩnh tâm tư duy, chánh niệm tỉnh giác để thấy rõ bản chất của sự việc. Thiền định sẽ giúp cho tâm người tu được thanh tĩnh, vắng lặng, thanh lọc phiền não, đưa tâm trở về thực tại, từ đó đạt được sự an ổn, không bị các pháp ác xâm chiếm tâm.
Định nghĩa về Tuệ
Tuệ (panna), nghĩa là bát nhã, hay trí tuệ, tuệ giác, là bước cao nhất và cuối cùng trong tam học của bát chánh đạo, dựa vào Chánh kiến, Chánh tư duy và đưa đến mục tiêu tối thượng là giải thoát. Trong tam vô học lậu, khi hành giải thực hành Thiền định và đạt đến trạng thái nhất tâm, sẽ có sự xuất hiện của hỷ lạc, khinh an và tâm xả. Tuệ là mục đích cuối cùng của quá trình tu tập, cũng là sự hiểu biết đúng đắn của người tu về thế giới và con người.
Có 3 loại Trí tuệ gồm: Trí tuệ truyền đạt, Trí tuệ kinh nghiệm tu tập và Trí tuệ tư duy. Trong đó, trí tuệ kinh nghiệm tu tập là loại trí tuệ có thể làm cho tâm thanh tịnh hoàn toàn, đạt được nhờ quá trình tu tập thiền Minh sát tuệ. Trí tuệ được xem là nút tháo gỡ cuối cùng để đạt được giải thoát và chạm đến Niết bàn.
Trí tuệ là một trong năm sức mạnh của tâm, cũng là một trong mười Ba-la-mật và một trong bảy chi phần giác ngộ. Để tăng trưởng trí tuệ, người tu học phải thực hành theo các bước “Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ”. Trong đó, văn tuệ nghĩa là nhờ nghe, học, đọc, suy tư, suy nghiệm mà phát sanh Trí tuệ.
Trí tuệ trong Phật giáo chính là cái nhìn sâu sắc, toàn diện về bản chất của sự vật, chính là vô ngã, vô thường, đau khổ. Thấu rõ tường tận về bốn chân lý gồm: Khổ, nguồn gốc của khổ (vô minh và tham ái), sự diệt tận các khổ (đoạn trừ, không chấp thủ ái dục) và con đường đưa đến đoạn diệt khổ.
Trí tuệ có nhiều loại, về mặt phân biệt thì phân thành tuệ vô lậu và tuệ hữu lậu, còn gọi là tuệ xuất thế gian và tuệ thế gian. Về mặt tính chất, trí tuệ cũng được chia thành 2 loại là căn bản trí và hậu đắc trí. Trên phương diện tu tập, trí tuệ lại được chia làm 3 loại là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ.
Ý nghĩa của Giới – Định – Tuệ
Giới Định Tuệ là một phần quan trọng trong Đạo Phật, chỉ khi hiểu rõ và thực hành thì hành giả mới có thể tinh tấn, có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Giới Định Tuệ soi sáng thân, khẩu, ý, là kim chỉ nam trong đời sống hàng ngày, là pháp môn vi diệu bậc nhất để hành giả nương tựa, củng cố tường thành công đức.
Ý nghĩa của Giới trong Đạo Phật
Giới luật có tác dụng điều phục, chế ngự tâm ý, nếu người tu có thể thực hành giữ giới tốt thì sẽ thoát ly được ba nghiệp ác, thành tựu ba nghiệp thiện. Giới chính là một vòng bảo hộ, giúp người tu nuôi dưỡng tâm bồ đề, ngăn chặn các ý niệm, hành vi xấu, có thể khiến con người chìm đắm, hãm sâu vào vật chất, bị phiền não, vô minh trói buộc.
Giới không phải là sự áp đặt, trói buộc người tu mà là bức tường bảo vệ, giúp người xuất gia được tấn hóa. Giới luật có chức năng phòng hộ, nuôi lớn các pháp lành, căn lành và hướng đến nếp sống phạm hạnh. Giới giới sẽ mang đến sự an lạc, thanh tịnh, hoan hỷ, từ bi, từ đó hướng đến Định, Tuệ và giải thoát, Niết Bàn.
Giới là bậc thang đầu tiên của đạo giác ngộ, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là kho tàng vô lượng công đức. Người giữ giới sẽ được thừa hưởng gia tài pháp bảo, được tiếng lành đồn xa, không e dè, sợ hãi khi đến trước hội chúng đông đảo. Khi chết thì tâm không rối loạn, sau khi mệnh chung sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới.
Ý nghĩa của Định trong Đạo Phật
Khi tuyên thuyết về Định, Đức Phật có dạy: Người nhiếp Tâm thì Tâm được Định, nhờ Tâm được Định mà có thể biết được các tướng của pháp sanh diệt ở thế gian. Phải tinh tấn tu tập các phép Định thì Tâm chẳng tán loạn, nên khéo tu Thiền định để giữ Trí huệ.
Đức Phật cũng dạy rằng, cần phải tập trung tâm lại thì tâm mới ở trong thiền định, khi tâm ở trong thiền định, có thể thấu triệt được trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Định là trạng thái bình tâm, tĩnh tại, tập trung, không bị phân tán, không bị tạp niệm quấy nhiễu, là nền tảng để phát triển tuệ giác.
Ý nghĩa và lợi ích của Tuệ
Tuệ là cách nói gọn của hai từ Trí và Tuệ, trí là tính quyết định, tuệ là tính phân biệt rõ ràng sự lý các pháp. Trí tuệ giúp chúng ta nhìn nhận, hiểu rõ giáo lý Tứ đế và lý Duyên khởi. Hiểu rõ bản chất, nguồn gốc và phương pháp để diệt tận khổ. Cũng hiểu rằng, các pháp hiện hữu trên thế gian này đều do nhiều yếu tố, nhờ nhiều nhân duyên. Bản chất của các pháp là vô thường, vô ngã.
Trí tuệ sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng sự thật của nhân sinh và vũ trụ, không bao giờ xem xét sự vật bằng cảm quan, suy lường, cảm nhận mà nhìn vào bằng sự thể nghiệm thiền tập và đi vào chánh định, chánh kiến. Trí tuệ cũng giúp tâm trí thanh tịnh, đoạn trừ phiền não, sự hiểu biết về các pháp sẽ đưa đến giải thoát, giải thoát tri kiến và chứng vô lậu Niết bàn.
Muốn bước chân lên bến bờ giác ngộ giải thoát thì phải có trí tuệ. Chỉ có tu tập trí tuệ thì mới có thể hiểu được chính mình, hiểu được người khác, từ đó có cuộc sống hạnh phúc, an lạc trọn vẹn. Trí tuệ giúp tẩy trì phiền não, là thanh gươm sắc bén giúp chặt đứt vô minh, từ đó có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ.
Trí tuệ phát sanh nhờ tu tập thiền định, là quả ngọt trong trạng thái thành tựu thiền định, chỉ có hành giả nào thật sự thành tựu trí tuệ thì mới cảm nhận được trạng thái này. Trí tuệ cho ta thấy rõ nhân sinh vũ trụ đúng với bản chất thật của chúng, thấy được duyên sinh tính, vô thường, vô ngã. Trí tuệ cũng giúp mở ra cánh cửa tự do tự tại, xa lìa khổ đau, chấp thủ, thể nhập chân lý, chân như.
Ý nghĩa của Giới Định Tuệ với Phật tử
Giới Định Tuệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Phật tử, là nội dung cốt yếu cho sự tu học của người xuất gia. Đây là con đường mà tất cả các hành giả, dù là Phật giáo Nguyên Thủy hay Phật giáo Đại Thừa đều phải kinh qua để đạt đến giác ngộ giải thoát. Ý nghĩa của ba pháp này như sau:
- Giúp Phật tử có cuộc sống đạo đức, ý nghĩa, ngăn chặn các hành vi xấu, có thể tạo ác nghiệp, gây hại cho bản thân và người khác. Giúp tăng sự tập trung, thanh lọc tâm trí, để tâm đạt đến trạng thái vắng lặng, tĩnh tại, từ đó việc tu tập được tinh tấn hơn. Đồng thời, cũng giúp Phật tử nhìn nhận được con người và thế giới một cách đúng đắn, từ đó có một cuộc sống ý nghĩa, an lạc và hạnh phúc.
- Nếu Phật tử học ba pháp này sẽ có thể đoạn tận tham, sân, si, không làm điều ác và những điều bất thiện, giúp phát triển tâm từ bi và trí tuệ. Giới giúp Phật tử rèn luyện tâm từ bi, Định giúp tăng sự tập trung, thanh lọc tâm trí, phát triển tuệ giác. Tuệ giúp hiểu rõ bản chất sự vật, sự việc, từ đó trưởng dưỡng tâm từ, phát triển trí tuệ.
- Người giữ giới đức, học 3 pháp này sẽ được thừa hưởng gia tài pháp bảo nhờ tinh cần, được tiếng tốt đồn xa, có môi quan hệ tốt đẹp với tăng chúng, người xung quanh và thế giới. Có thể thấu hiểu, dung hòa các mối quan hệ, giúp các mối quan hệ được hòa thuận, tốt đẹp hơn, từ đó có được sự an lành, thanh tịnh.
Mối quan hệ giữa Giới Định Tuệ
Giới Định Tuệ là ba pháp quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong Đạo Phật, giới được xem là nền móng, là bước đi đầu tiên để tiến tới an trú tại Định và phát sinh Trí Tuệ. Giới giúp tạo ra nền tảng đạo đức, là bậc thềm đầu tiên cho sự phát triển của định và tuệ.
Định giúp cho tâm trí được tập trung, trấn tĩnh và thanh lọc các uế trược, phiền não, vô minh để tuệ giác có điều kiện phát triển. Trong khi đó, tuệ lại giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, uyên tâm hơn về con người và thế giới. Từ đó có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc.
Hành giải tu bất kỳ pháp môn nào, là Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Phật Tông… đều không thể bỏ qua Giới Định Tuệ. Đây là con đường giúp hành giả được an lạc, giải thoát, là nền tảng của sự tu tập. Trong kinh Di Giáo, Thế Tôn đã dạy: Sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải tôn kính tịnh giới, phải biết tịnh giới là đức Thầy cao cả của các Thầy. Giới là căn bản của sự giải thoát, nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ, có năng lực hủy diệt thống khổ.
Trong quá trình tu tập, Giới Định Tuệ phải được phát triển hỗ trợ lẫn nhau, việc tu tập thì không thể bỏ qua pháp nào. Người tu đúng pháp sẽ hiểu rằng, trong Giới luôn có Định và Tuệ, đồng thời, trong Tuệ cũng luôn có Định và Giới. Định đi cùng Giới sẽ đưa đến lợi ích và quả vị lớn; Tuệ đi cùng Định và Giới sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn khỏi tri kiến lậu, vô minh lậu.
Giới Định Tuệ là nội dung cốt yếu, là nền tảng cho sự tu học của hành giả. Hành giả cần ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày để có cuộc sống ý nghĩa và đạo đức. Có thể nói, học Phật là học Giới – Định – Tuệ, tu Phật cũng chính là tu Giới – Định – Tuệ, đây là ba môn học căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật giáo.
Có thể bạn quan tâm: