Ngồi thiền tại nhà đúng cách cho người mới bắt đầu
Ngồi thiền là phương pháp tập luyện được nhiều người áp dụng tại nhà để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống và chuyển hóa năng lượng xấu bên trong cơ thể. Ngồi thiền có nhiều cấp độ khác nhau dựa vào mức độ tu tập của mỗi người. Bài viết dưới đây là hướng dẫn ngồi thiền tại nhà đúng cách cho người mới bắt đầu bạn có thể tham khảo.
Thiền là gì?
Thiền là phương pháp tập luyện được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Thiền giúp bạn tập trung tinh thần, cải thiện sức khỏe và nâng cao sự tỉnh táo. Khi mới bắt đầu thiền, bạn nên tập trung tâm trí vào một điểm nhất định để giảm bớt suy nghĩ và xua tan căng thẳng.
Trong nhà Phật, thiền được gọi đầy đủ là thiền định. Tâm con người thường rất rối ren và phức tạp. Thiền được hiểu là sự bất động của sáu căn. Định là sự hướng tâm của ý thức, giúp thâm tâm trở nên thanh thản và an lạc, thoát khỏi dục và ác pháp. Thiền định chính là sự bất động của tâm và thân, thiền sẽ tăng lên theo từng cấp độ cho đến khi giải thoát hoàn toàn.
Tiến hành thiền định là một trong những cách giúp ta định tâm, quản trị tâm mình và duy trì tâm an định. Nếu không tiến hành thiền định thì con đường tu tập Phật học sẽ không đạt được thành tựu đạo quả. Bên cạnh đó, thiền định còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích của việc ngồi thiền
Ngồi thiền có tác động tích cực đến sức khỏe và tâm lý của mỗi người. Thiền định đúng cách trong thời gian dài sẽ giúp bản thân làm chủ được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, ý thức hoàn toàn việc mà bản thân đang làm cũng như cảm xúc mà bản thân đang gặp phải. Một số lợi ích mà ngồi thiền mang lại là:
- Giữ cho tâm an định để giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những người thường xuyên thiền định tại nhà sẽ làm giảm mật độ chất xám có trong vùng não liên quan đến trạng thái lo lắng và căng thẳng.
- Thiền làm tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ và tăng sự kiên nhẫn. Từ đó, bạn sẽ làm việc và hoạt động hiệu quả hơn, đạt được những thành tựu to lớn trong cuộc sống.
- Thiền trong thời gian dài giúp khai mở tâm trí và nhìn nhận mọi việc một các toàn diện nhất. Điều này có tác động rất tốt đến quá trình điều trị bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.
- Học sinh sinh viên nếu chăm ngồi thiền sẽ giải tỏa bớt căng thẳng của việc học hành, tăng khả năng sáng tạo và tiếp thu kiến thức tốt hơn.
- Theo Phật giáo, thiền định giúp con người quản trị bản năng, nhà Phật gọi là năng lượng dục. Nếu năng lượng này không được kiểm soát sẽ kích thích bản thân làm việc xấu. Nếu năng lượng này được chuyển hóa sẽ phát triển trí tuệ để phục vụ cho cuộc sống.
Các phương pháp thiền định trong nhà Phật
Để quá trình ngồi thiền có thể mang lại hiệu quả tốt nhất thì bạn phải lựa chọn được phương pháp ngồi thiền phù hợp với bản thân. Dưới đây là ba phương pháp thiền căn bản trong nhà Phật dành cho người mới bắt đầu đến người có cấp độ cao hơn, bạn có thể tham khảo:
1. Phương pháp thiền sổ tức
Khi mới bắt đầu, bạn nên tiến hành phương pháp thiền sổ tức, được hiểu là thiền đếm hơi thở. Thiền sổ tức là phương pháp tu tập cần thiết đối với hành giả sơ cơ, nếu bỏ qua giai đoạn này tâm rất dễ bị giao động và không thể an định khi ngồi thiền.
Hướng dẫn:
- Hít thở bằng mũi khi thiền, quá trình hít thở cần diễn ra một các tự nhiên.
- Đếm từ 1 đến 10 theo từng nhịp thở. Cụ thể là, hít vào thở ra đếm 1, hít vào thở ra đếm 2,… đếm cho đến 10. Sau đó quay trở về đếm lại từ số 1. Thực hành liên tục cho đến khi kết thúc buổi thiền.
- Thiền định theo phương pháp này mỗi ngày, khi bản thân không còn nhầm lẫn khi đếm số nghĩa là bạn đã đạt được sổ tức.
Lưu ý: Trong quá trình thiền định sổ tức, bạn sẽ bị nhầm lẫn trong việc đếm số do vọng tưởng chi phối. Khi quên cần phải đếm lại từ đầu. Hành động cố gắng đếm hơi thở sẽ giúp tâm an hơn.
2. Phương pháp thiền tùy tức
Khác với thiền sổ tức, thiền tùy tức không đếm hơi thở mà chỉ cần theo dõi chúng. Đây được xem là giai đoạn thứ hai của thiền định. Hơi thở tồn tại ở trạng thái vô hình mà con người chỉ có thể nhận biết những điều hữu hình. Vì thế, khi ta hít vào sẽ không nhận biết được hơi thở đi về đâu.
Khi thuần thục phương pháp thiền tùy tức, giữ được tâm tĩnh khi ngồi thiền thì bạn sẽ cảm nhận được đường đi của hơi thở một cách rõ ràng. Nếu quá trình thiền tùy tức diễn ra hiệu quả thì tâm sẽ trở nên thanh tĩnh và sáng ta. Ngược lại, nếu buông bỏ không tu tập một thời gian thì tâm sẽ tối ngay.
3. Phương pháp thiền tri vọng
Sau khi đã thực hành tốt phương pháp thiền tùy tức, hành giả có thể bắt đầu với phương pháp thiền tri vọng. Tri vọng và vọng tưởng là những suy nghĩ và cảm xúc trong tâm của mỗi người. Thiền tri vọng là theo dõi suy nghĩ và vọng tưởng của bản thân. Chúng ta không biết vọng tưởng khởi phát từ đâu nhưng chúng luôn tồn tại trong tâm trí. Nếu chú tâm tu tập và theo dõi kỹ, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi của vọng tưởng, nghĩa là đang làm việc này lại nghĩ đến việc khác. Đồng thời, khi tâm lắng chúng ta mới thấy được những điều phức tạp đang diễn ra trong tâm trí.
Thiền tri vọng giúp chúng ta thấy được vọng, điều này sẽ giúp cho năng lượng của vọng bị giảm đi và không còn tác động đến thân mình. Lúc này, năng lượng ấy sẽ không mất đi mà được chuyển hóa thành ý chí, trí tuệ, sức mạnh,… Ngược lại, nếu chúng không được chuyển hóa sẽ biến đổi thành năng lượng dục khiến bản thân làm việc dục. Vì thế, người trong đạo nếu không tu mình thì sẽ phạm giới.
Hướng dẫn ngồi thiền đúng cách cho người mới
Ngồi thiền đúng cách giúp bản thân cảm thấy thoải mái và tăng khả năng tập trung. Từ đó, quá trình ngồi thiền mới có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngược lại, nếu bạn có thói quen ngồi thiền sai cách sẽ làm giảm hiệu quả thiền định và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tu tập. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách ngồi thiền dành cho người mới bắt đầu bạn có thể tham khảo:
Chuẩn bị
- Trang phục: Mặc trang phục rộng rãi thoáng mát để có thể cảm nhận hơi thở dễ dàng hơn. Không nên mặc quần áo quá chật hay quần áo bó sát. Loại bỏ hết trang sức, đồng hồ đeo tay,… để bản thân cảm thấy thoải mái nhất.
- Tâm thế ngồi thiền: Nên bắt đầu ngồi thiền với tâm thể thoải mái, có thể vận động thể dục rồi tắm rửa trước khi ngồi thiền. Không nên ngồi thiền khi tâm trạng bực bội.
- Địa điểm và thời gian: Nên ngồi thiền ở nơi bằng phẳng hoặc hơi dốc về phía trước. Thời gian ngồi thiền tốt nhất là buổi tối trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Tư thế ngồi thiền
Khi mới nhập thiền, hành giả nên để bản thân thoải mái và thả lỏng cơ thể hoàn toàn, buông thõng hai vai. Lưng và ngực giữ thẳng, mắt khép hờ 1/3 và cách chân khoảng 1 mét, đầu hơi cúi về phía trước một chút. Tay phải đặt dưới hoặc trên tay trái, hai đầu ngón tay cái tiếp xúc nhẹ nhàng với nhau.
Hai tư thế ngồi thiền phổ biến nhất là:
- Tư thế bán kiết già: Ngồi thẳng lưng, chân phải đặt lên đùi chân trái hoặc chân trái đặt lên đùi chân phải.
- Tư thế kiết già: Đây là tư thế ngồi thiền của Đức Phật và được xem là tư thế ngồi thiền tốt nhất. Tư thế kiết già sẽ tăng lưu thông máu lên não, đầu óc sẽ trở nên sáng suốt hơn. Hành giả cần ngồi thẳng lưng, vắt chân trái lên đùi phải rồi vắt chân phải lên đùi trái hoặc ngược lại, sau đó kéo sát chân vào người.
Ngồi thiền
Với những người mới bắt đầu tập ngồi thiền thì chỉ nên thực hành trong khoảng 15 phút. Khi cơ thể quen dần thì có thể tăng thời gian ngồi thiền lên 30 phút, 1 tiếng hoặc kéo dài hơn. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
+ Nhập thiền:
- Hít sâu vào bằng mũi và thở ra bằng miệng ở ba hơi thở đầu tiên. Khi hít vào, hãy tưởng tượng bản thân đang hút không khí trong sạch nhất và mang chúng đi đến từng bộ phận trên cơ thể. Khi thở ra, hãy tưởng tượng bản thân đang loại bỏ hết độc tố và ám khí trong cơ thể ra bên ngoài.
- Sau khi kết thúc ba hơi thở đầu thì tiến hành hít vào thở ra hoàn toàn bằng mũi. Để hạn chế chảy nước miếng khi thiền định, hãy ngậm miệng và ngậm răng, đầu lưỡi để ở hàm răng trên.
+ Trụ thiền:
- Nên tiến hành ngồi thiền từ phương pháp sơ cơ, khi đã thực hành thuần thục thì mới chuyển qua phương pháp thiền định cao hơn. Cụ thể là thiền định đếm hơi thở – thiền định theo dõi hơi thở – thiền định theo dõi vọng tưởng. Việc thực hành thuần thục từng phương pháp thiền thì quá trình thiền định mới đem lại hiệu quả tốt nhất.
- Khi đã đạt được giai đoạn biết vọng nghĩa là vọng không theo. Một hành giả tu tập được đến giai đoạn này được xem là đáng quý và không còn bị cảnh trần quấy nhiễu. Tuy nhiên, sau tri vọng thì vẫn còn nhiều trình độ thiền định cao hơn như chân giác,…
+ Xả thiền:
Khi thiền định kết thúc bạn hãy mở to mắt để thần trí quay trở lại, cử động nhẹ nhàng vùng cổ và đầu để chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Tiếp đó, hãy thực hiện các bước sau đây để khởi động lại hoạt động của các cơ quan trên cơ thể:
- Cử động vai ra trước sau, cúi ngửa đầu nhẹ nhàng.
- Bóp nhẹ hai bàn tay rồi ấn vào gối, gập người về phía trước khoảng 5 lần.
- Xoa nóng hai bàn tay để áp vào các cơ quan trên mặt như mũi, mí mắt, má, tai, cằm, môi, miệng, trán và thùy trán.
- Dùng đầu ngón tay cào đầu từ trước ra sau khoảng vài chục lần, vuốt mạnh vùng gáy cho đến khi có cảm giác ấm nóng.
- Bóp tay với lực mạnh rồi dùng một tay xoa lưng và một tay xoa ngực.
- Dùng tay day ấn mông, xoa nhẹ từ ngực xuống bụng, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, vuốt từ đùi trong tới đầu gối khoảng 10 lần, tháo chân ra khỏi tư thế kiết già.
- Dùng lực tay xoa bàn chân, bấm huyệt ở gan bàn chân, xoa từ lưng chân lên bụng chân.
Lưu ý khi ngồi thiền dành cho người mới
Thiền định là bộ môn rèn luyện yêu cầu độ tập trung cao, khi mới bắt đầu bạn sẽ gặp phải nhiều bỡ ngỡ. Nhưng nếu nắm vững được những điều sau đây trong quá trình thiền, bạn sẽ nhanh chóng đạt được thành tựu thiền định:
- Khi thiền sổ tức và thiền tùy tức, hành giả cần chú ý đến sức khỏe của bản thân. Quá trình thiền sẽ không có hiệu quả nếu bạn bị mệt mỏi hoặc bị ngạt mũi. Tốt nhất, bạn nên xúc rửa mũi sạch sẽ trước khi thiền để làm thông thoáng đường thở.
- Nên thiền ở không gian yên tĩnh để có thể thả lỏng trí óc và dễ dàng tập trung vào hoạt động của bản thân. Không nên ngồi thiền ở nơi quá ồn ào hay náo nhiệt. Không gian thiền nên có ánh sáng vừa đủ và không có gió thổi trực tiếp từ phía sau.
- Thời điểm ngồi thiền tốt nhất là sáng sớm, sau giờ làm việc căng thẳng hoặc trước khi đi ngủ. Nên dành từ 15 – 30 phút mỗi ngày để ngồi thiền. Hãy ăn nhẹ, tắt điện thoại và đi vệ sinh trước khi nhập thiền.
- Nếu gặp ảo giác khi ngồi thiền, cần phải ngừng tập luyện để tránh tác động tiêu cực đến tâm lý. Những người mắc bệnh thần kinh nặng cũng không nên ngồi thiền tại nhà.
- Giữ thẳng lưng khi ngồi thiền, tránh gây cản trở quá trình di chuyển của dòng năng lượng trong cơ thể và làm giảm hiệu quả ngồi thiền. Đồng thời, cố gắng thả lỏng toàn bộ cơ thể, không cố gắng gồng hoặc giữ cố định bất cứ bộ phận nào ngoài cột sống.
Ngồi thiền là một trong những phương pháp tu tập không thể thiếu đối với người tu đạo. Phương pháp tu tập này giúp bản thân duy trì tâm an tĩnh, chuyển hóa năng lượng dục thành năng lượng tốt và phát huy trí tuệ tối đa. Duy trì thói quen ngồi thiền mỗi ngày còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần của người thực hiện.
Có thể bạn quan tâm: