Thầy Thích Pháp Hòa
Thích Pháp Hòa là nhà sư đang sinh sống ở nước ngoài nhưng được rất nhiều phật tử trong nước yêu mến và kính trọng. Thầy là vị chư tăng trẻ nhưng tinh thông kinh kệ và có rất nhiều bài pháp thoại hay ý nghĩa. Hầu hết các bài giảng pháp của Thầy đều bình dị và mang đậm bản sắc dân tộc nên rất dễ tiếp cận đến thính chúng.
Thầy Thích Pháp Hòa là ai?
Thầy Thích Pháp Hòa là nhà sư nổi tiếng, từng là trụ trì của Tu Viện Trúc Lâm năm 2006 Tu Viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc) năm 2007. Được biết, Thầy sinh ra vào năm 1974, là con trưởng trong gia đình có hai người con trai. Năm 12 tuổi, Thầy sang Canada định cư và chính thức xuất gia vào năm 15 tuổi.
Mặc dù sinh sống và hoạt động ở nước ngoài nhưng Thầy vẫn được nhiều phật tử trong nước biết đến thông qua các bài giảng Pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Thầy có phong cách giảng Pháp bình dị, lời nói dễ đi vào lòng người và phong thái hòa ái nên các bài giảng của Thầy rất dễ tiếp cận đến với phật tử. Chỉ qua một vài câu truyện ngắn mà Thầy đã có thể truyền đạt đến phật tử về lời dạy của Đức Phật và cách loại bỏ tham sân si.
Sau khi trải qua quá trình tu học và rèn luyện, Thầy có được kiến thức và hiểu biết sâu rộng về Phật pháp, nhận được sự kính trọng và thán phục từ phật tử. Ngoài ra, Thầy Thích Hòa còn được xem là kho tàng sống về ngôn ngữ và kinh kệ. Thầy luôn tâm niệm, dành tâm lý phổ thân hòa lẫn đạo với đời để gần hơn với chúng sanh, dùng cuộc đời của mình để truyền tải Phật pháp đến với mọi người. Thông qua các bài giảng của Thầy, phật tử sẽ hiểu hơn về tri thức Phật pháp, học được hạnh xả thân của Bồ Tát và biết cách chăm sóc mọi người xung quanh.
Tiểu sử và quá trình tu tập của Thầy Thích Pháp Hòa
Thầy Thích Pháp Hòa có duyên với Phật Pháp ngay từ nhỏ. Vào rằm tháng giêng năm 7 tuổi, Thầy được người lớn dẫn đến chùa Ngọc Thuận ở Cần Thơ. Thấy ai đến chùa cũng được gọi bằng những cái tên rất hay nên Thầy tìm gặp vị sư già và nói lên mong muốn cũng có cái tên đẹp. Vị sư này đã bảo Thầy quỳ lạy Phật rồi làm lễ quy y cho. Từ đó, Thầy Pháp Hòa chính thức được quy y với pháp danh Huệ Tài.
Sau khi đã quy y Tam Bảo, Thầy tiếp tục thỉnh cầu tâm nguyện muốn thờ Phật với nhà sư. Nhà sư thấy cậu còn nhỏ nhưng đã có duyên với Phật nên đã tìm 4 hình Phật cho cậu rồi dặn cậu ăn chay trong 10 ngày. Sau khi về nhà, Thầy Pháp Hòa làm theo lời dặn của nhà sư, nhờ mẹ lập bàn thờ Phật rồi đọc kinh hàng đêm và cúng dường.
Đến năm 1989, khi cửa thiền kết đủ duyên lành thì Thầy Pháp Hòa chính thức xuống tóc xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Thiện Tâm. Năm 1994, tại sự kiện Đài giới đàn Hương Tích của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Pháp, thầy chính thức được thọ ký Tỳ kheo. Năm 1999, Thầy được Thiền Sư Thích Nhất Hạnh truyền Đăng với bài kệ pháp:
“Pháp đã trao lòng từ vàng thuở
Hòa quang tiếp độ khắp quầng sân
Sen nở rạng ngời tròn chẳng nhiễm
Độ hết muôn phương chốn hữu tình”
Năm 2006, Thầy Thích Pháp Hòa được Tấn phong làm trụ trù của Trúc Lâm Thiền Viện. Đến năm 2007, Thầy chuyển sang làm trụ trì Tây Phương Thiền Viện, đồng thời được bầu làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật Học Edmonton (Canada).
Bài giảng nổi bật của Thầy Thích Pháp Hòa
Ngoài việc tu học và trau dồi kiến thức về Phật pháp, Thầy Thích Pháp Hòa còn đi đến nhiều nơi để thuyết pháp cho phật tử. Các bài giảng của Thầy được bắt đầu với nhiều chủ để sáng tạo, cách sắp đặt ngôn từ khôn khéo và đưa tinh thần Phật pháp vào bài giảng tinh tế, giúp phật tử dễ hiểu và dễ tiếp cận. Các bài giảng của thầy còn được thu hình và phát lại trên các phương tiện truyền thông để những người không có cơ hội nghe trực tiếp vẫn có nhân duyên nghe.
Các bài thuyết giảng của Thầy được lồng ghép nhiều chủ đề khác nhau như tình yêu, tình cảm gia đình, lòng từ bi, lòng thù hận,…giúp phật tử có cái nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống và thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Nhờ các bài giảng đó mà phật tử có thể tháo gỡ được những điều bối rối đang tồn tại trong cuộc sống và có thêm niềm tin vào những điều thiện lành, tự tu sửa bản thân để có được cuộc sống an nhiên. Dưới đây là 5 bài thuyết pháp của Thầy nhận được nhiều sự yêu thích của phật tử bạn có thể tham khảo:
1. Pháp thoại “Sanh tử là lẽ đương nhiên”
Bài thuyết pháp này được chia sẻ vào ngày 21/6/2020 tại Tu viện Trúc lâm. Thông qua bài giảng, quý phật tử sẽ hiểu được ý nghĩa của từng câu trong bài thơ “Sanh tử lẽ đương nhiên” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, hiểu rõ hơn về luật sinh – tử để không còn chìm đắm trong cõi luân hồi khổ đau.
2. Pháp thoại “Ai là người niệm Phật”
Bài pháp được chia sẻ trong buổi vấn đáp tại chùa Vạn Hạnh Victoria ngày 23/8/2020. Bài giảng này của Thầy đã giải thích ý nghĩa của câu niệm Phật trong cuộc sống đời thường. Đồng thời, giúp thính chúng hiểu rõ hơn về mục đích của việc sám hối để có thể đi sâu vào nội tâm, suy xét hành động và ý nghĩ của bản thân.
3. Pháp thoại “Người khéo nói”
Bài giảng này của thầy nói về 3 kiểu người nói chuyện có trong kinh Phật. Cụ thể là kiểu người nói chuyện như phân (nói lời dối trá và ác ngữ), kiểu người nói chuyện như hoa (nói đúng, không thêu dệt và không ác ngữ) và kiểu người nói như mật (nói đúng, nói lời hướng thiện và được nhiều người yêu mến). Thông qua bài giảng, Thầy mong muốn phật tử hiểu được sự sống hay cái chết đều nằm ở miệng của mỗi người. Nếu chúng ta nên nói lời động viên khuyến khích để vực họ đứng dậy, không nên nói lời khổ não bi ai khiến họ ngã quỵ.
4. Pháp thoại “An trú trong hiện tại”
Ý nghĩa của bài giảng là con người muốn an trú trong cuộc sống hiện tại thì phải biết quý trọng giây phút hiện tại. Khi sống trong cuộc sống đầy cám dỗ, ta phải biết tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc cho bản thân. Theo đạo Phật, con người có nhiều cách để an trú trong hiện tại, đặc biệt là “tam thường bất túc”.
5. Pháp thoại “Sống đơn giản – khó hay dễ”
Đức Phật đã dạy, phiền não và vô minh là do con người gây ra chứ không phải do hoàn cảnh, chính con người đã tự làm khổ mình. Cụ thể, con người tự làm khổ mình bằng tâm đố kỵ và ghen ghét, khiến bản thân có nhận thức sai lầm và hình thành nên hành vi sai lầm. Vô minh khiến con người không thấy được duyên sinh nhân quả. Vạn pháp vô ngã sinh ra não, tham, ái, chấp thủ và ác nghiệp.
Nếu con người hiểu rõ bản chất của những quy luật này, quyết chí tu tập thì sẽ giảm bớt khổ đau trong cuộc sống. Mục đích của đạo Phật là chuyển hóa khổ đau, giúp con người được an lạc và hạnh phúc cho cuộc sống. Tâm thanh tịnh và sáng suốt sẽ giúp con người thoát khỏi khổ đau và đi đến hạnh phúc.
Lời khuyên của Thầy Thích Pháp Hòa
Thầy Thích Pháp Hòa đã có rất nhiều năm tu tập và thuyết giảng hàng trăm bài pháp hữu ích cho thính chúng. Thông qua các bài giảng này, thầy cũng đã đưa ra một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái, giúp con cái đi đúng đường và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Cụ thể là:
+ Coi trọng sự bình đẳng giới tính: Cha mẹ không nên có tư tưởng trọng nam khinh nữ, trai hay gái cũng đều là con mình. Con gái cũng đóng vai trò rất to lớn đối với gia đình, phải có con gái thì công việc mới được hoàn thành, có con gái gia đình mới bình an và chu toàn. Vì thế, cha mẹ nên có sự công bằng giữa con trai và con gái, dạy dỗ con nên người chính là phước của cha mẹ.
+ Không quá cưng chiều con cái: Thầy có giảng, con cái chỉ đem lại 25 phần phước cho cha mẹ và phần còn lại là do duyên nợ giữa cha mẹ và con. Vì thế, bố mẹ cần có cách giáo dục và nuôi dạy con đúng cách, chỉ nên yêu thương và cưng chiều có mức độ. Cưng chiều con cái quá mức sẽ biến chúng thành những đứa trẻ hư, từ “cục cưng” sang “cục nợ”.
+ Mỗi người con sẽ có phúc nghiệp khác nhau: Con sinh ra như thế nào là do nghiệp của con và phước của cha mẹ. Con sinh ra bị khiếm khuyết và bệnh tật là do nghiệp của con và nợ của cha mẹ, nghiệp này cha mẹ không thể gánh thay con. Trong gia đình, mỗi người con đều có phúc và nghiệp khác nhau, cha mẹ cần dựa vào biệt nghiệp để đưa ra hướng dạy dỗ cho phù hợp. Không nên so sánh giữa các con với nhau khiến chúng bị tủi thân.
+ Lựa chọn cách nuôi dạy phù hợp: Trên đời có 3 dạng con, mỗi dạng con sẽ có cách dạy dỗ và giáo dục khác nhau. Để có thể giáo dục con nên người và mang lại phúc đức cho con, bố mẹ cần dựa vào đó để đưa ra hướng dạy cho phù hợp. Cụ thể là:
- Con ưu sanh: Con ưu sanh là những đứa con sanh ra đã có nhiều điểm nổi trội so với đấng sinh thành. Con sanh ra ở dạng ưu sanh là điều đáng mừng, cha mẹ chỉ cần ủng hộ để con có động lực phát huy và đạt được thành công trong cuộc sống.
- Con tùy sanh: Cha mẹ là tấm gương của con cái, cha mẹ thế nào thì con cái học theo như vậy. Con sanh ra ở dạng tùy sanh, cha mẹ cần điều chỉnh hành vi của bản thân để trở thành tấm gương sáng cho con, con sẽ nhìn vào đó để học hỏi.
- Con liệt sanh: Con liệt sanh sẽ không giống với bố mẹ. Ví dụ, bố mẹ làm điều thiện sống tích đức thì con cái ích kỷ, cha mẹ hiền lành thì con cọc cằn,… Đây là dạng con gặp nhiều nhất trong cuộc sống và được xem là thử thách đối với bậc cha mẹ. Nếu con không được như ý nguyện thì cha mẹ cũng không nên tuyệt vọng, hãy tìm cách giáo dục con cho phù hợp.
Thầy Thích Pháp Hòa có tuổi đời khá trẻ nhưng lại sở hữu tố chất và tâm thế của một vị Tăng Sư. Hệ thống kiến thức, ngôn ngữ và kinh kệ của Thầy là vô cùng phong phú và rộng lớn. Thầy đã từng đi giảng pháp ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc và tâm luôn hướng về quê hương Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm: